Cậu chuyện về hai lá thư
Blog Family - Chị có bao giờ thấy ngưỡng mộ hạnh phúc của bố mẹ không? Họ đã yêu nhau, cưới nhau và sông bên nhau dễ cũng đến hơn nửa thế kỉ rồi đấy nhỉ.
***
Thư của chị gái
Gửi em gái thân yêu!
Từ hồi còn bé em đã rất thích đọc sách, mặc dù ngày ấy nhà mình nghèo, chẳng có lấy một cuốn sách nào ra hồn cả. Nhưng với những quyển báo cũ, sách cũ đi xin được em vẫn luôn giữ gìn và đọc đi đọc lại chúng nhiều lần. Chị nghĩ có lẽ vì thế mà em đã trở thành người thông minh, sâu sắc và hiểu biết về cuộc đời từ rất sớm.
Nhà mình cái Trà nó cũng thông minh, nhưng cái thông minh của nó rất khác với của em. Cái thông minh của Trà là sự thông minh kèm theo sự lanh lợi, tinh vi và một cái gì đó gọi là khôn ngoan thì đúng hơn. Điều đó khác hẳn với sự sâu sắc, tinh tế của em. Chị luôn tự hào về các em, chị chưa bao giờ là một người chị gương mẫu cả. Qua thời gian, qua cay đắng, tủi nhục chị mới nhận ra được nhiều điều đáng quý ở cuộc sống này. Thường khi ta biết ân hận và muốn chuộc lại mọi lỗi lầm thì đã quá muộn, con người ta chỉ còn biết thở dài trong nuối tiếc, đớn đau và hối hận. Chị đã từng lơ lãng, hừng hờ với biết bao nhiêu tình cảm tốt đẹp xung quanh dành cho mình.
Em đã giấu mọi người về những thành công của em mãi rồi, và chị đã từng ủng hộ em chuyện đó. Nhưng em ơi, giờ đây chị nghĩ đó là một điều ta không nên làm nhất là với bố mẹ chúng ta. Họ đã hy sinh cả cuộc đời chỉ để chứng kiến chúng ta thành công và hạnh phúc. Nếu em cho họ biết bí mật ấy chắc chắn họ sẽ rất tự hào và hạnh phúc về em lắm. Chị xin lỗi, em biết đấy vì chị em mình ngại tính hay khoe khoang của bố nên có gì gọi là thành công lớn mình đều giấu đi. Nếu không thì bố sẽ đem đi khoe khắp nơi, khoe cả năm trời với tất cả mọi người không ngớt. Chị đã từng cho đó là cái tính đáng ghét nhất của bố, nhưng em biết không bởi vì chúng ta là niềm tự hào của bố. Thông thường những người thích khoe của sẽ hay khoe những tài sản của mình, chẳng hạn như số tiền tiết kiệm trong ngân hàng, đất đai, nhà cửa, những món đồ xa sỉ. Bố cũng có những khu đất rộng rãi, có những thuở ruộng màu mỡ, đàn gia súc nhà mình cũng luôn béo tốt… nhưng bố không khoe về chúng. Chưa bao giờ, em có thấy không? Vì chúng ta chính là những tài sản lớn nhất của bố, nên bố chỉ dành cả ngày để nói về chúng ta mà thôi. Nhiều lúc bố chê trách chúng ta trước mặt mọi người nhưng lại với hàm ý khen ngợi. Chị chợt nhớ, mỗi lần nói về chúng ta bố luôn nói với chất giọng tự hào.
Khi bố bảo: “Cái Viên nhà tôi sắp thành gái già đến nơi rồi, còn suốt ngày mải miết vẽ vời, may vá. Người ta đã tặng cho nó hàng tá bằng khen, huân huy chương, giải thưởng này nọ nó còn chưa vừa lòng. Con gái con đứa tham thế làm gì cơ chứ!”. Là ý bố muốn nói rằng: con gái bố rất giỏi, rất có chí tiến thủ. Khi bố chê: “Cái Mận nhà tôi chỉ biết có học, học, học gì mà lắm thế không biết. Nó lại đi Tây rồi, có khi lấy chồng con luôn bên đấy, để mặc xác bố mẹ già cả đau yếu ở cái làng này”. Là bố muốn nói: con tôi học giỏi lắm, được đi du học ở bên Tây nữa đấy. Khi bố nói: “Con bé Trà thật là hết thuốc chữa, nó toàn làm những gì nó muốn.Sức người có giới hạn mà nó học một phát hai trường đại học, lại còn học thêm đủ thứ linh tình trên đời nữa. Mà nó đã nói là nó làm, tôi thực sợ thật đấy!. Là bố muốn nói: con gái bố đa tài, giỏi giang và năng động lắm. Khi bố nói: “Thằng Châu con trai gì mà nhút nhát, bố mẹ và các chị bảo gì răm rắp nghe theo mà không ý kiến gì lại. Ngoài đọc sách với nấu cơm ra chả biết gì nữa cả, tán gái cũng không biết…” Là bố muốn nói: con trai tôi ngoan lắm, biết vâng lời và chăm chỉ nữa…
Chị lúc nào cũng cãi bố răm rắp, không sót một câu nào, chắc những lúc đó bố mẹ đau lòng lắm. Chị thật bất hiếu, cho đến ngày bước chân về nhà chồng chị cũng chẳng được một câu ngọt ngào hay một cái ôm hờ hững nào dành cho bố. Chị còn mắng lúc bố say rượu, cứ lè nhè, lảm nhảm linh tinh với bên nhà thông gia. Chị lúc nào cũng cãi bố, không bao giờ giặt được cái áo cho bố, chưa bao giờ nhớ ngày sinh nhật bố mà tặng một món quà… Vậy mà sao bố vẫn đưa chị đến trường hết mẫu giáo, rồi cấp một, cấp hai, cấp ba và thậm chí khi chị đã trở thành sinh viên rồi. Ngày xưa đi học, mỗi lần xe đạp bị hỏng hóc, thủng săm, dù mùa đông trời lạnh đến thấu xương bố vẫn dậy thật sớm để sửa lại cho chị em mình. Sau đó bố chẳng bao giờ đi ngủ lại nữa. Bố là người đi mua sách vở, đồ dùng học tập cho chị em mình mỗi đầu năm học. Bố đi họp phụ huynh, lao động cho chúng mình ở trường. Bố nấu cơm cho chúng mình ăn, bố đưa chúng mình đi bệnh viện khi ốm đau… Có những lần, tối hôm trước bố còn chửi mắng chị vậy mà tối hôm sau bố là người xách xe máy ra ngoài đường lớn để đón chị khi chị đi học về. Bởi ngày đấy chị hay đi học về muộn và còn chẳng có điện thoại di động nữa.
Em cũng đã từng nói với chị rằng, chính bố là người đã truyền cảm hứng văn chương cho em. Ngày xưa, mỗi lần mẹ vắng nhà bố đều dỗ dành chị em mình bằng cách kể truyện cổ tích cho bọn mình nghe. Cả cuộc đời bố là những câu chuyện cổ tích, em đã lớn lên trong thế giới thần tiên ấy và giờ em lại viết tiếp giấc mộng văn chương. Giờ đây chị thấy yêu bố vô cùng, bố là người đàn ông vĩ đại nhất thế giới này mà chị biết. Một người đan ông chỉ học hết cấp hai, một người mà cho đến giờ chưa bao giờ đặt chân đến thủ đô. Lại là người đã mang lại cho những đứa con của mình ngàn điều tốt đẹp nhất. Có lúc chị cảm tưởng dường như cả cái làng quê kia, chỉ có gia đình mình là gia đình hạnh phúc nhất thôi.
Quay trở lại với cuộc sống hiện tại càng yêu quý, càng tự hào về bố mẹ mình bao nhiêu chị lại càng thấy ghét mẹ chồng chị bấy nhiêu. Bà ta chắc cũng có những cái lí do riêng của mình nhưng chị không thể chấp nhận nổi. Có thể bà ta quá yêu quý anh Huy và không muốn chia sẻ tình cảm với chị, cũng có thể vì chị quá vụng về. Bà ta luôn lấy gia đình nông dân của nhà mình ra để mà nói chị. Bà ta mắng chị: “bố mẹ cô nông dân, chỉ biết bùn với đất thôi không biết dạy cô cái này phải không?”. Lúc ấy chị đã rất tức không kiềm chế nổi và cãi lại: “phải bố mẹ con là nông dân, thì đã sao? mẹ là người có học mà đi coi khinh những người lao động chính đáng thế à? Bố mẹ con là nông dân, nhưng họ yêu thương con cái và biết dạy con cái tử tế, đàng hoàng, không bao giờ dạy con đi chửi rủa cha mẹ người khác cả, thưa mẹ!”.
Thật nực cười phải không em? Chị đã nhịn, nhẫn nhịn nhiều lắm rồi nhưng khi bà ta đụng đến bố mẹ mình chị không chịu được nữa và chị cãi lại thế đấy. Chuyện xảy ra được một tuần rồi em ạ, vì chuyện đó mà mẹ chồng chị đâm giận dỗi không ăn cơm. Người bị tổn thương nhiều nhất là chị, nhưng không ai để ý đến điều đó cả nhà chồng trách mắng chị. Anh Huy là người đàn ông nhu nhược như bố anh ấy thôi em ạ, chị ghét anh ấy rồi vì mẹ anh ấy mà anh ấy cũng quay ra mắng chị. Anh chị đã cãi nhau và chị bỏ đi, chị không về nhà bố mẹ nữa, cả đời chị không làm được gì cho bố mẹ. Chỉ suốt ngày mang lại cho họ nỗi đau khổ, chị thật là bất hiếu. Chị biết chị thật là tồi tệ khi làm cho bố mẹ mất mặt như thế này, nhưng chị không chịu đựng nổi nữa, chị sợ chị điên mất. Chị sẽ ly hôn em ạ, chị nghĩ kĩ rồi, đó là suy nghĩ của kẻ bế tắc và chị đã bế tắc. Chị thấy không còn yêu anh Huy nữa, mà có lẽ chị cũng chưa từng yêu anh ấy thật sự.
Chị đang mang thai đứa con của anh ấy, vì anh chị sẽ ly hôn nên chị chị sẽ bỏ nó đi, chị không nghĩ chị sẽ làm được như bố mẹ. Yêu thương và chăm sóc con mình đến từng hơi thở như thế, nếu chị sinh nó ra chắc nó sẽ bị bất hạnh mà thôi. Chị đã nói với anh Huy rồi và chị cũng chẳng muốn bàn bạc gì thêm nữa, mọi chuyện sẽ sớm được giải quyết thôi em ạ. Trải qua những chuyện như vậy chị đã nghiệm ra được nhiều điều như thế đó, em hãy cố gắng học hành chăm chỉ. Hãy lấy người mà anh ta và cả nhà anh ta biết yêu thương tất cả những gì thuộc về em.
Hãy sống thật tốt nhé em gái, vì bố mẹ thân yêu của chúng ta.
Thân gửi em, chị gái!
Thư của em gái
Chị ơi! Em chỉ ước gì giá như giờ đây em có một đôi cánh, em sẽ bay về ngay vê bên chị lúc này. Em luôn tôn trọng những quyết định của chị và cũng thương chị rất nhiều, nhưng em không ủng hộ việc làm của chị lúc này đâu.
Chị phải nhìn về mọi phía, giờ chị đã là người phụ nữ của gia đình rồi nên cách sống của chị cũng nên phải khác đi. Thay đổi là để hạnh phúc chị ạ! Chị có bao giờ thấy ngưỡng mộ hạnh phúc của bố mẹ không? Họ đã yêu nhau, cưới nhau và sông bên nhau dễ cũng đến hơn nửa thế kỉ rồi đấy nhỉ. Thỉnh thoảng họ cũng hay cãi nhau, nhất là khi mấy chị em mình có chuyện. Mẹ cũng hay ca thán chuyện nhà cửa, con cái và những tật xấu muôn đời của bố. Nhưng em lại nhận ra rằng, tất cả những điều đó là cuộc sống của mẹ. Chị cũng thấy đấy bà nội mình khó tính như vậy nhưng giờ mẹ mình lại là cô con dâu mà bà yêu quý nhất đấy thôi.
Hôm qua anh rể đã gọi điện cho em, anh rất lo cho chị sao chị lại đi cả tuần mà không gọi về thế? Chị đừng trẻ con như vậy chứ, rồi bố mẹ sẽ biết chuyện, rồi họ sẽ lo lắng biết bao. Em biết nếu giờ chị mà nói ly hôn vì quá khổ sở thì chắc bố mẹ mình sẽ đồng ý. Vì sao chị biết không, vì bố mẹ rất thương chị họ không muốn nhìn chị đau khổ đâu. Nhưng em thấy đó là một sự dung túng mù quáng, họ yêu thương chị nhưng lại không để cho chị nhận ra điều đó. Chị có nhớ trước đây chị muốn vào miền Nam học may mặc không? Lúc ấy bố mẹ đã không cho chị đi, vì họ sợ chị không thể chống chọi với cuộc sống nơi đất khách quê người. Vì chị không như em sống xa nhà từ nhỏ và không hề nhút nhát. Chị có thấy rằng vì chị quá được cưng chiều nên trở nên ích kỷ không? Thằng Châu nhà mình cũng được cưng chiều nhưng mà cách bố mẹ yêu chiều nó rất khác với chị vì chị là đứa khó tính mà.
Chị đừng nói là chị không yêu anh Huy, anh ấy mà nghe được là anh ấy sẽ buồn lắm đấy. Anh muốn chị thay đổi cũng là muốn tốt cho chị thôi mà, chị phải chứng minh cho mẹ chồng chị thấy là dù xuất thân của chị nhỏ bé nhưng chị không phải là kẻ bất tài chứ. Cố gắng dậy sớm đôi chút, thỉnh thoảng nấu một bữa cơm cho cả nhà, rồi dọn dẹp nhà cửa… những việc đấy có khó khăn gì mấy đâu. Mẹ mình vừa chăm nom bốn đứa chúng mình, vừa làm việc nhà việc cửa, đồng áng mà mẹ vẫn làm được đó thôi. chị cứ thử tưởng tượng một mai thằng Châu mà lấy vợ về, mà vợ nó cứ cãi bố liên tằng, không đụng chân đụng tay vào việc nhà cửa thì chị sẽ cảm thấy thế nào? Mẹ anh Huy cũng vậy thôi chị à, hơn nữa chị lại đang mang bầu, hứa với em chị đừng làm kẻ sát nhân nhé.
Nếu bây giờ chị mà không tỉnh táo thì sau này chị sẽ ân hận đấy, anh Huy giờ đang tìm chị khắp nơi. Chị hãy gọi cho anh ấy đi, đừng để chuyện bé xé ra to mà, em nhớ nụ cười hạnh phúc của chị trong những ngày cưới của anh chị. Nếu không yêu anh ấy chị đã không hạnh phúc như vậy đúng không?
Cái Trà nó đã mang hết tất cả những cuốn sách của em đã xuất bản về khoe với bố mẹ. Gần đây em không dùng bút danh nữa vì cái tên Phách Đông Mận bố đặt cho em quá tuyệt vời rồi. Bố mẹ rất vui chị ạ, nhưng hình như họ buồn vì em không dùng tên thậtcủa mình trên mỗi cuốn sách. Chị hãy sinh con đi, hãy bảo bố đặt tên cho cháu nhé. Chị đã nhận ra bố mẹ rất yêu thương chị, nhất là bố dù bố có đánh, mắng chị thì cũng chỉ lo cho chị. Em tin chắc mẹ chồng chị cũng chỉ muốn chị tốt đẹp hơn lên thôi mà. Em thấy chị đã nhận ra nhiều điều đúng đắn, nhưng sao chị vẫn hành động như trẻ con vậy? chị tin nếu ly hôn thì đó sẽ là một cách để bảo vệ danh dự cho bố mẹ sao. Chị đòi ly hôn chỉ vì mẹ chồng chị chửi bố mẹ mình là nông dân thôi sao, đừng vậy mà chị.
….
Em rất muốn thông báo với chị một tin vui, nhưng cả tuần nay em không gọi được cho chị. Sang Mỹ em đã gặp lại Denis, người mà em đã quen cách đây hơn một năm trước tại một hội thảo quốc tế đó chị. Người mà em đã từng kể là có đôi mắt màu xanh và nụ cười đẹp mê hồn ấy, hai tháng trước em đã gặp lại anh ấy, và cách đây không lâu anh ấy đã tỏ tình với em. Em rất hạnh phúc, cứ như là một giấc mơ vậy, người em luôn chờ đợi đã đến trong cuộc đời em. Em đã từng kể với anh ấy rằng em có gia đình rất hạnh phúc, bố mẹ mình luôn hạnh phúc bên nhau, một người chị gái đang sống trong một cuộc hôn nhân đầm ấm. Bố mẹ Denis đã ly hôn lâu rồi và anh ấy rất sợ chuyện đó sẽ xảy ra với chính cuộc đời anh ấy. Em đang cố gắng làm anh ấy tin vào hạnh phúc gia đình, mọi chuyện mới chỉ vừa bắt đầu nhưng em tin là bọn em sẽ có kết quả tốt đẹp chị ạ.
Thời gian vừa qua em thấy cả hai chúng em đều đang thay đổi một số điều gì đó để phù hợp với nhau hơn. Chẳng hạn như anh ấy rất ghét món thịt bò hầm quế nhưng vì em thích món đó nên anh ấy đã chịu ngồi lại trước bàn ăn nhìn em chén say sưa món khoái khẩu này. Rồi dần dần sau đó anh ấy còn đòi nếm thử nữa, em cũng đang học thêm tiếng Tây Ban Nha vì anh ấy là người gốc Tây Ban Nha mà chị. Em không muốn mình bị lạc lõng khi đi cùng anh ấy đến gặp họ hàng, bạn bè người Tây Ban Nha của anh ấy.
Chấp nhận và thay đổi để giữ lấy tình yêu và hạnh phúc của mình là điều đáng làm phải không chị?
No Comment to " Cậu chuyện về hai lá thư "