Trung Quốc nói gì về chuyến đi Việt Nam của ông Dương Khiết Trì
Trung Quốc tiếp tục khẳng định lập trường "nguyên tắc" vô lý, nhưng có quan điểm cho rằng, họ muốn hạ giọng với Việt Nam trong vấn đề trên biển...
Ngày 18 và 19 tháng 6 năm 2014, các tờ báo điện tử của Trung Quốc đã đăng nhiều bài viết về chuyến thăm Việt Nam của ông Dương Khiết Trì, ủy viên quốc vụ Quốc vụ viện Trung Quốc, các bài báo đa phần có nhiều lời lẽ trịch thượng và xuyên tạc, báo GDVN xin đăng lại một số nội dung đang được tuyên truyền tại Trung Quốc để phản ánh đúng bản chất những gì mà truyền thông nước này đang tuyên truyền.
Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh trong cuộc hội đàm ngày 18 tháng 6 năm 2014 với ông Dương Khiết Trì |
Tờ “Nhân Dân” Trung Quốc ngày 19 tháng 6 đăng bài viết “Nhân Dân nhật báo (bản hải ngoại): Xin khuyên Việt Nam sớm quay đầu”; tờ “Tân Hoa xã” ngày 18 tháng 6 đăng bài “Ủy viên quốc vụ viện TQ Dương Khiết Trì gặp Phó Thủ tướng Việt Nam, phía Việt Nam cho biết, sẵn sàng cùng Trung Quốc quản lý, kiểm soát tình hình”, còn ngày 19 tháng 6 có bài viết “Trung Quốc áp dụng tất cả biện pháp bảo đảm an toàn hoạt động ở (cho cái gọi là) "Tây Sa" (Đây là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép)”;
Tờ “Giải phóng quân” Trung Quốc ngày 19 tháng 6 đăng bài viết “Dương Khiết cùng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tổ chức gặp gỡ trưởng đoàn Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung-Việt”;
Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 19 tháng 6 viết bài “Gặp gỡ quan chức cấp cao Trung-Việt ‘rất nghiêm túc’, sự di chuyển của giàn khoan ‘Nam Hải 9’ gây chú ý” và bài “Quan chức cấp cao Trung-Việt gặp gỡ trong thời điểm nhạy cảm, báo chí nước ngoài cho biết hội đàm không đạt được bất cứ tiến triển nào”;
Tờ “Thời báo Kinh Hoa” Trung Quốc ngày 19 tháng 6 viết bài “Dương Khiết Trì hội kiến Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam: Vấn đề Trung-Việt có khó cũng phải giải quyết”; tờ “Tin tức Trung Quốc” ngày 19 tháng 6 đăng bài viết “Quan hệ Trung-Việt có thể cùng đi về một hướng?”; còn tờ “Đa chiều” Trung Quốc giật tít đầy kích động cho rằng “Báo Đảng tiếp tục cảnh báo Việt Nam cần kìm cương ngựa bên bờ vực thẳm, từ bỏ dã tâm”…
Ngay từ tiêu đề, những tờ báo trên đã cho thấy, Trung Quốc rất quan tâm đến chuyến đi này của ông Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc. Nhưng, nội dung các bài báo tiếp tục phản ánh, Trung Quốc tiếp tục đòi hỏi “chủ quyền” vô lý, bất hợp pháp của họ ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Lập trường vô lý
Tờ “Nhân Dân nhật báo” Trung Quốc dẫn lời Tống Hiểu Quân, phó chủ nhiệm Ban nghiên cứu chiến lược quốc tế, Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc tiếp tục xuyên tạc các hoạt động chấp pháp của Việt Nam, cho đó là các hành vi “khiêu khích”, “đơn phương”, “quấy rối hoạt động của phía Trung Quốc”, gây ra “tình hình khó khăn của quan hệ Trung-Việt hiện nay”. Rằng “Việt Nam khư khư cố chấp, càng đi càng xa trên con đường sai lầm”
Theo bài báo, ông Dương Khiết Trì sang thăm Việt Nam trong thời điểm nhạy cảm, căng thẳng hiện nay là thể hiện quan chức cấp cao Trung Quốc muốn tận dụng cơ hội để trao đổi với Việt Nam, cho thấy Trung Quốc có “thành ý” và “thiện chí”, “quý trọng lịch sử hợp tác hai nước, tình hữu nghị hai đảng, tình cảm nhân dân hai nước”, “ý nguyện thông qua đối thoại và trao đổi giải quyết vấn đề”.
Theo đó, ông Tống Hiểu Quân tuyên truyền rằng, Trung Quốc “tiếp tục tạo cơ hội cho Việt Nam kìm cương ngựa bên bờ vực thẳm”. Rằng, trong hội đàm, ông Trì tiếp tục làm rõ “giới hạn” với Việt Nam, rằng “Trung Quốc muốn Việt Nam từ bỏ dã tâm không thực tế, chấm dứt gây ra tranh chấp mới, quản lý và kiểm soát bất đồng, tránh gây thiệt hại lớn hơn cho quan hệ song phương”.
Theo ông Quân, “Việt Nam có thể cùng đi với Trung Quốc hay không thì còn chưa biết”, bởi vì ông ta có nhắc đến một vấn đề là, trước chuyến thăm của ông Trì thì ở Việt Nam đã có yêu cầu kêu gọi “giảm lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc”.
Ngoài ra, ông Tống Hiểu Quân nói ra nói vào về hoạt động khai thác dầu khí bình thường trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ông coi Việt Nam tận dụng hợp tác thăm dò với các công ty nước ngoài để “củng cố quyền lợi biển đi ăn cướp” và hiện nay Việt Nam vẫn “không biết mệt” trên phương diện này. Trong vấn đề trọng tài quốc tế, Việt Nam cũng “xắn tay áo, nóng lòng muốn thử”.
Ông Quân xuyên tạc cho rằng, “Việt Nam tuy cho biết sẵn sàng tuân thủ đồng thuận…, nhưng về kinh nghiệm lịch sử, Việt Nam vẫn gây lo ngại”, ông ta tiếp tục bôi đen hình ảnh của Việt Nam cho rằng, Việt Nam có “hành động lật lọng, uy tín quốc tế thấp” – ông ta nhắc lại luận điệu gần đây của phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Tần Cương.
Tờ “Giải phóng quân” Trung Quốc cho rằng, trong cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ngày 18 tháng 6, hai bên đã trao đổi quan điểm thẳng thắn, sâu sắc về quan hệ Trung-Việt và tình hình trên biển hiện nay. Ông Dương Khiết Trì nói “lập trường nguyên tắc” của Trung Quốc, cho biết Trung Quốc “luôn coi trọng quan hệ Trung-Việt từ tầm cao chiến lược và góc độ lâu dài”, “sẵn sàng cùng Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt phát triển lành mạnh, ổn định”.
Theo ông Trì thì hiện nay, quan hệ Trung-Việt đang đứng trước “tình hình khó khăn” và ông đã đổ lỗi cho Việt Nam “quấy rối phi pháp hoạt động giàn khoan của Trung Quốc) (thực chất là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam).
Ông Trì còn tiếp tục tuyên bố vô lý rằng “quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, không tồn tại tranh chấp”, rằng “Trung Quốc sẽ áp dụng tất cả biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền và quyền lợi biển quốc gia, bảo đảm hoạt động có liên quan tiến hành an toàn, thuận lợi”.
Theo ông Trì thì hai bên cần “xuất phát từ đại cục quan hệ hai đảng, hai nước”, “kiên trì quản lý, kiểm soát tình hình trên biển, kiên trì trao đổi song phương, kiên trì định hướng đúng đắn dư luận, loại bỏ mọi quấy rối, thông qua các nỗ lực chính trị, ngoại giao, tìm biện pháp giải quyết thỏa đáng, nhanh chóng ổn định tình hình, tránh mở rộng, làm phức tạp và quốc tế hóa vấn đề liên quan”,
Ông Trì đưa ra yêu cầu vô lý rằng: “Vấn đề cấp bách hiện nay là Việt Nam cần chấm dứt quấy rối hoạt động của phía Trung Quốc, chấm dứt làm nóng vấn đề liên quan, chấm dứt làm nóng bất đồng, tạo ra tranh chấp mới",
Quan chức của TQ cho biết: "TQ muốn Việt Nam xử lý tốt sự việc biểu tình bạo lực cách đây không lâu, đồng thời áp dụng biện pháp có hiệu quả, bảo đảm an toàn cho tổ chức, doanh nghiệp và nhân viên Trung Quốc ở Việt Nam, tạo điều kiện và không khí cần thiết cho hai bên hiệp thương giải quyết vấn đề, giao lưu hợp tác trên các lĩnh vực nhanh chóng khôi phục bình thường”.
No Comment to " Trung Quốc nói gì về chuyến đi Việt Nam của ông Dương Khiết Trì "