Nguồn cội
Blog-Family - Có những tình thương không thể thốt thành lời, có những yêu thương mà khi con người chỉ biết hưởng thụ, họ cho rằng đó là một lẽ tự nhiên, đến khi mất đi rồi họ mới tiếc nuối , thèm khát và quý trọng những giá trị lớn lao ấy. Tình cảm của những bậc làm cha làm mẹ có lẽ là như thế, có mấy ai để ý được đến điều này đâu. Mà nếu chúng ta có biết đi chăng nữa thì lại vin vào lý do rằng thì là người thân, mà đẻ con ra chẳng quan tâm con thì quan tâm ai, thôi thì đó là thiên chức rồi, là trách nhiệm phải thế.Riêng với Nó thì Nó không nghĩ như thế, Nó lúc nào cũng canh cánh trong lòng cái tình cảm tưởng chừng như là lẽ tự nhiên.
Cuộc đời cứ cuốn Nó đi nhanh, Nó không thể sống chậm lại được. Nên dù Nó thèm lắm được ùa về với những người sinh thành, giáo dưỡng Nó mà khó quá. Tuy vậy, trong tâm trí Nó vẫn khắc ghi mãi hình ảnh ông nội yêu quý của Nó.
Trong mắt Nó, ông là người mẫu mực, đảm đang. Hai tính từ này chỉ hợp dùng cho phụ nữ, vậy mà Nó vẫn cứ nghĩ ông nội Nó như thế, vì ông Nó giỏi và gần như biết tất cả mọi việc lớn bé trong gia đình. Cứ độ ve kêu râm ran, ầm ĩ hết cả một khóm cây thì cũng là lúc Nó tung tăng về thăm ông bà nội.
Mắt ông Nó kèm nhèm lắm rồi, một mắt bị híp sụp xuống, thấy bố Nó bảo ông bị từ bé. Lúc đầu nhìn ông Nó sợ. Nhưng rồi hằng ngày ông nấu bao nhiêu món ăn ngon và lạ, ông ra vườn lấy bao là trái cây ngon cho Nó, nào là quả bưởi đào mọng nước, nào quả mít chín thơm lừng, có hôm còn vài ba quả dừa lửa mà uống nước.Vậy nên cái món thịt kho cùi dừa đi vào tuổi thơ của nó, thỉnh thoảng nó lại thèm món ấy như một thức quà xa xỉ. Ông thương Nó thế đấy, nhưng có lần Nó giận ông, vì ông mắng Nó:
- Na ơi, xuống ăn cơm cháu.
-Vâng. Nó chạy nhanh đến mâm cơm, đi chơi cả ngày làm Nó đói, vục ngay cái muôi vào múc miếng canh trứng húp sột xoạt , ngon lành.
- Con gái ăn uống thế à, ngồi ngay ngắn lại, ăn cơm chưa mời ai, cả nhà có một bát canh, ăn thì phải múc ra bát riêng mà ăn chứ, đưa miệng húp sùn sụt như thế vào bát canh thì ai ăn nữa. Ông nó quát.
- Nó sụt sùi, im lặng, cắm đầu cắm cổ vào ăn.
Tưởng yên chuyện, chiều đến ông gọi Nó ra vườn lấy quả mít vào mà ăn, Nó lon ton chạy ra xách mít vào. Nhưng vân vê mãi quả mít nó nhìn ông rồi nói:
- Ông ơi, quả này sâu mất rồi, nhỏ thế nữa, ăn làm sao được.
- Sâu thì gọt phần sâu đi chứ. Cháu phải tiết kiệm, tự tìm mà ăn chứ, bổ mít ra rồi mà ăn lấy cái lành.
Ông chỉ đưa cho Nó mỗi con dao với vài lá chuối khô. Nó đưa mắt dõi theo ông, ô hay bình thường ông toàn làm giúp Nó mấy việc này mà.
Nó bắt đầu hì hục với quả mít, chặt vài ba nhát làm cho quả mít vẫn không tách ra được mà nhìn còn te tua. Nó đưa tay quệt ngang giọt mồ hôi lấm tấm trên mũi, ra bề cực nhọc lắm lắm.
- Đưa dao đây nào, con gái mười một, mười hai tuổi đầu mà bổ mít cũng không biết làm, sau này làm gì mà ăn, ông Nó lại mắng.
Nó vừa ăn mít vừa bỉu môi trách thầm" hôm nay ông làm sao thế"
Tâm hồn trẻ thơ của Nó không nhận ra sự thay đổi ấy, Nó vẫn ngủ ngon trong vòng tay bà nội, Nó còn lầm bầm với bà về việc hôm nay ông la rầy đứa cháu yêu. Vậy mà sáng hôm sau, ông Nó ra đi mãi mãi, thấy mắt ông nó trợn ngược lên, chú Nó bảo ông lên trạm xá, nhưng ông không chịu, ông muốn vào nhà nằm nghỉ. Bà nội Nó gào thét khắp cả nhà mà chỉ lặp đi lặp lại vài từ " ông ơi, ông" rồi nước mắt bà cũng dàn dụa. Nó thương bà, thấy bà khóc mà cả nhà cứ nhao nhao lên, Nó chẳng hiểu gì nhưng cũng khóc, cũng lăn ra đất mà gào, đến khi Nó chứng kiến cảnh ông nằm bất động bị quấn vải trắng Nó vẫn không hiểu gì, cho đến lúc Nó thèm ăn mít, Nó thèm gọi ông ơi, thèm được ông mắng, thèm món thịt kho cùi dừa, thèm nhìn cái mắt bị tật của ông. Nó khóc to, Nó ngất lên ngất xuống vài ba lần. Người ta đưa ông Nó xuống cái hố đất tối thui kia mất rồi. Nó nghĩ đến chuyện đó lại càng buồn, càng khóc.
Ông nội Nó mất thì Nó còn ông ngoại. Khác với ông nội, ông ngoại không khéo tay bằng. Vì là cháu ngoại nên Nó không được ông chăm sóc nhiều như ông nội. Nhưng Nó kính trọng ông và lúc nào cũng khắc ghi câu nói ông răn dạy" Ngọc bất trác, bất thành khí - Nhân bất học, bất tri lý".
Ngày còn bé Nó hay về quê nội nên chẳng mấy khi có kỷ niệm bên ông ngoại, nhưng từ ngày mất đi ông nội, Nó trân trọng người ông duy nhất trên đời của Nó. Cứ có dịp về thăm ông, nó lại nấu thật nhiều món ăn cho ông. Bệnh người già, ông đãng trí, ông lãng tai, ông không nhận ra Nó, thậm chí cái tên ông cũng quên. Nhưng Nó vẫn cứ lên thăm ông thường xuyên, cốt để ông nhớ lại Nó. Nó ngồi cắt móng tay cho ông, ngồi hát vài câu vọng cổ, ngồi nghe ông kể chuyện xưa. Có lần Nó khóc to, Nó thương và sợ mất ông. Hôm ấy Nó gọi điện về hỏi thăm ông bà ngoại, bà Nó đưa điện thoại cho ông nghe:
- Ông ơi, ông có khỏe không? - Nó hét toáng lên cho ông nghe thấy, rồi nó cười hì hì
- Ai đấy? ừ khỏe, chỉ đau đầu tí thôi mà.
- Ông ơi, cháu Na đây ông.
- Ừ, khoẻ cả, hơ . . .hơ . . . dạo này già rồi không đi đâu được, không nhớ tên, ở quê mình khoẻ cả chứ?
- Ông ơi, ông lại quên cháu à. - Nó khóc rú lên trọng điện thoại. Miệng mếu máo mách bà" bà ơi, ông không nhớ cháu bà à" Nó nấc nghẹn lên vì xót xa.
Chao ôi, cả đời ông bà vì con vì cháu, sinh cho nhiều con, cháu thì đông đàn đến nỗi không nhớ hết tên. Thiết nghĩ, ông không nhớ được vì mấy khi gặp con gặp cháu, cứ bảo con cháu ở gần mà phục dưỡng ông bà. Nhưng cuộc sống bộn bề, rồi thì ông bà già, các cháu lớn. Mà đã lớn thì lại phải đi tìm đường mà sống, đứa lấy chồng, đứa đi làm xa, đứa đi học, có mấy ai còn về thăm ông nữa. Nhiều khi nhớ lắm nhưng cũng phải khuất phục trước thời gian, khoảng cách.
Cuộc sống là thế, mọi sự hy sinh đều xuất phát từ sự tự nguyện và trách nhiệm. Khi chấp nhận hy sinh có ai biết mình được nhận gì đâu. Có lẽ người làm cha làm mẹ, hy sinh chỉ mong con mình thành gia thành thất, yên bề là hạnh phúc, là vui rồi. Có chết cũng mỉm cười, chỉ có những người đầu xanh ở lại sẽ tiếc nuối và thèm khát về lại tuổi thơ. Mà có khi về già thì cũng chỉ muốn yên ổn về nơi mình sinh ra mà gửi hồn vào đất mẹ. Lúc đó chỉ còn lại nấm mồ, cỏ mọc um tùm, thỉnh thoảng chó mèo còn bới đất tung tóe. Cả năm mới được vài ba lần về thắp nét hương mong sao làn khói hương trầm trở thành cầu nối giữa hai thế giới, đó là tấm lòng thành kính mà nhớ mà thương về nguồn cội.
Đấy, cả đời lo toan, cuối cùng chỉ có thế. Nguồn cội là tình thương hay nguồn cội là nấm mồ xanh cỏ nghi ngút hương bay, liệu rằng lúc ấy, người hay chăng tình thương của con cháu.
No Comment to " Nguồn cội "